Tại sao yêu lâu thường dễ chán?
- Phuong Linh Dang
- 25 thg 5, 2024
- 5 phút đọc

Trong một phiên livestream gần đây tôi có nhận được một câu hỏi: Tại sao khi yêu lâu thì thường dễ chán và làm thế nào để hâm nóng tình cảm khi hai người đã yêu nhau quá lâu? Câu hỏi này tôi gặp không ít cả trên Tik Tok lẫn các nền tảng khác. Và cho dù đã trả lời khá chi tiết, tôi vẫn muốn lấy đó làm nguồn cảm hứng cho bài viết này để dành tặng cho những bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn này trong một mối quan hệ.
Lý do mà một cặp đôi khi ở bên nhau quá lâu thường phải đối mặt với việc chán nhau là vì một số vấn đề như sau .
Mối quan hệ thiếu đi sự mới mẻ: Khi mối quan hệ kéo dài, cặp đôi có xu hướng quen với nhau đến mức không còn cảm thấy điều gì mới lạ hay thú vị nữa. Sự lặp đi lặp lại của các hoạt động, thói quen và cách cư xử có thể làm mất đi cảm giác tò mò về nhau, háo hức mỗi khi gặp nhau mà họ có ban đầu.
Kỳ vọng không thực tế: Nhiều người lúc mới yêu nhận được sự quan tâm và cưng chiều của người yêu, dần dần sẽ xây dựng những kỳ vọng lãng mạn và lý tưởng về mối quan hệ. Khi thực tế không như những gì họ nghĩ, cảm giác thất vọng và chán nản sẽ xảy ra. Điều này tôi đã chia sẻ khá kỹ trong Podcast chữa lành tập 5 Sự nuông chiều và kẻ vô ơn.
Thiếu sự giao tiếp: Sự giao tiếp hiệu quả là yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ. Thế nhưng khi cặp đôi yêu lâu và không còn chia sẻ, tâm sự, hoặc không còn lắng nghe nhau vì đã quá quen thuộc với cuộc sống của nhau, sự kết nối giữa họ sẽ giảm đi và dễ dẫn đến cảm giác không thể hiểu nhau và phát sinh sự buồn chán.
Sự thay đổi cá nhân: Chúng ta luôn thay đổi và phát triển theo thời gian. Đôi khi, sự thay đổi này có thể làm hai người dần dần xa nhau vì họ không còn chung sở thích, mục tiêu hoặc chia sẻ những giá trị sống. Nếu sự khác biệt cá nhân đi ngược lại với những kế hoạch chung của cả hai thì điều đó có thể khiến một trong hai người cảm nhận được khoảng cách với người còn lại.
Mất cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và cuộc sống chung : Khi yêu nhau lâu, nhiều người dần dần đánh mất đi sự tự do cá nhân, sở thích riêng, hoặc thậm chí là bạn bè riêng của mình. Lý do có thể là bởi vì một người không thích, không hợp, hoặc cố gắng kiểm soát cuộc sống của người kia. Điều này dẫn đến cảm giác bị ràng buộc hoặc thiếu không gian riêng, làm gia tăng cảm giác chán nản.
Bạn thấy đấy, điều đó có nghĩa là cho dù có ở trong một mối quan hệ hay không thì việc cân bằng
và phát triển cuộc sống cá nhân là vô cùng cần thiết và là chất xúc tác để cho mối quan hệ được duy trì một cách tích cực.
Sự mất cân bằng trong cuộc sống cá nhân còn tạo ra một sự phụ thuộc không lành mạnh vào đối phương, dẫn đến việc đặt hạnh phúc của bạn vào trong tay người kia như một trách nhiệm thay vì đó là niềm vui mà mỗi người tự mong muốn.
Nhiều người thường gặp khó khăn trong việc xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và phát triển cuộc sống cá nhân đặc biệt là trong mối quan hệ lãng mạn. Tuy nhiên với một vài tips dưới đây , bạn hoàn toàn có thể yêu thương người khác mà vẫn không ngừng nâng cấp bản thân.
Để mối quan hệ có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân, cả hai người cần thấu hiểu và ủng hộ mục tiêu của nhau. Điều này bắt đầu từ việc xác định rõ ràng những gì bạn và nửa kia mong muốn đạt được trong cuộc sống. Một mối quan hệ lành mạnh nên là nơi bạn có thể tìm được sự khuyến khích và hỗ trợ. Nếu có thể tạo ra một bầu không khí tích cực thì cả hai sẽ có thể cảm thấy an toàn để chia sẻ những nỗi sợ hãi hay khát khao thầm kín mà không sợ bị đánh giá.
Cả hai cũng cần phải có những kế hoạch chung để đánh dấu sự phát triển của mối quan hệ theo từng giai đoạn. Ví dụ bạn có thể lên kế hoạch mua xe, mua nhà, kế hoạch quản lý tài chính, trải nghiệm cuộc sống cùng nhau bằng các chuyến đi xa ... Mỗi mục tiêu đặt ra sẽ là động lực để hai bạn phấn đấu cùng nhau và tạo ra những kỉ niệm mới, giúp hạn chế sự nhàm chán khi yêu lâu và làm mới mối quan hệ.
Mặc dù dành thời gian cho nhau là quan trọng, nhưng việc dành thời gian riêng cho bản thân cũng không kém phần cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn nạp lại năng lượng mà còn cung cấp không gian để suy ngẫm về những kế hoạch phát triển cá nhân cũng như duy trì các mối quan hệ khác trong cuộc sống như với gia đình và bạn bè. Ví dụ bạn có thể dành một buổi trong tuần để trau dồi, phát triển đam mê, sở thích cá nhân mà không bị phân tâm bởi các yêu cầu từ nửa kia - đây cũng chính là “khoảng lặng” cần có trong các mối quan hệ mà tôi đã chia sẻ trong "Podcast chữa lành tập 7 Yêu hay nghỉ".
Một mối quan hệ lành mạnh và phát triển đòi hỏi sự chia sẻ công bằng các trách nhiệm hàng ngày. Điều này không chỉ giảm bớt gánh nặng cho một người mà còn giúp cả hai cảm thấy được trân trọng và quan trọng trong mối quan hệ.
Vậy cho nên nếu bạn đã yêu lâu rồi và mối quan hệ dần đi vào một lối mòn thì đây là tín hiệu bạn cần phản ánh lại trạng thái hiện tại của cả hai và lên kế hoạch để cải thiện những gì có thể càng sớm càng tốt.
Đừng quên rằng bạn luôn có thể kết nối với tôi để đặt lịch tư vấn 1:1 bằng cách click vào đường link dưới đây nhé.
Comments